Ngành gỗ: Điểm sáng xuất khẩu

Ngành gỗ: Điểm sáng xuất khẩu

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp và trên thế giới chưa kiểm soát được, 5 thị trường chính xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU-27 vẫn duy trì tương đối ổn định trong 6 tháng đầu năm 2020.

Thị trường truyền thống vẫn duy trì đà tăng trưởng

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6/2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 4,903 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2019. Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2020 đạt 923,7 triệu USD, tăng 22% so với tháng 5/2020.

Báo cáo “Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu 2020: Thực trạng và cảnh báo một số rủi ro” do nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Forest Trends vừa công bố cho hay, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, 5 thị trường chính xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vẫn duy trì tương đối ổn định, bao gồm

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU-27. Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 6 tháng đầu năm 2020 sang thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 18% và 12% so với cùng kỳ 2019. Ngược lại, giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản, EU-27 và Hàn Quốc giảm nhẹ ở mức 4%,11% và 5%.

Về mặt hàng, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng đồ gỗ đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu gần 6,0 triệu tấn dăm gỗ trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt 807,5 triệu USD, giảm 1% về lượng và 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 6/2020, cả lượng và giá trị dăm xuất khẩu đều giảm lần lượt 19% và 21% so với tháng 5/2020.

Lý giải sự sụt giảm về lượng và kim ngạch xuất khẩu dăm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, do một trong những thị trường nhập dăm nhiều nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã chuyển hướng mua dăm từ các nước như Brazil, Chile với chất lượng dăm tốt hơn, giá hợp lý hơn do giá dầu đang giảm, cùng với dịch Covid khiến các nhà cung dăm tại Brazil và Chile xảy ra tình trạng bán tháo dăm.

Ngoài ra, nguyên nhân sụt giảm giá dăm gỗ là nhu cầu yếu tại thị trường Nhật Bản, vì ngành công nghiệp bột giấy và giấy ở Nhật Bản đã cắt giảm sản lượng, do giảm nhu cầu trong nước và các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này để giảm giá…

Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) – đánh giá, dù những tháng đầu quý II/2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị ảnh hưởng nhưng đến tháng 6 và 7, ngành này lội ngược dòng ngoạn mục. Xuất khẩu ngành này trong tháng 6 đạt 946,9 triệu USD – tăng 15,6% so với tháng cùng kỳ; tháng 7 tăng đến 29,8% với trị giá xuất khẩu 769 triệu USD. Nhanh tay chuyển đổi sản xuất, nắm giữ được các thị trường tiềm năng giúp ngành gỗ vẫn giữ được đà tăng trường xuất khẩu.

Hơn nữa, thị trường đồ gỗ thế giới tuy sụt giảm nhu cầu nhưng tiêu thụ vẫn khá tốt so với các ngành khác, nhất là nhóm sản phẩm đồ gỗ sử dụng trong gia đình và đồ nội thất. Ngoài ra, thương mại điện tử phát triển cũng giúp duy trì kết nối với khách hàng, giữ được nhịp xuất khẩu….

Diễn biến theo chiều hướng có lợi trên thị trường thế giới cũng mang lại cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Trong đó, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khiến đồ gỗ Trung Quốc khó vào Mỹ hơn, đồng nghĩa với việc Việt Nam có khả năng tận dụng cơ hội này nếu đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh khiến sản xuất gỗ tại những thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu, Ý… bị gián đoạn, Việt Nam có cơ hội lấp vào chỗ trống của các thị trường khác.

Cần nhanh chóng xác định chiến lược phát triển về mặt thị trường

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, những tháng cuối năm là mùa tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất. Nếu các khu vực sản xuất đồ gỗ lớn như Bình Dương, Long An… không bị dịch bệnh dẫn đến ngưng trệ sản xuất thì tăng trưởng xuất khẩu của ngành vẫn sẽ đạt 6-7% trong năm nay.

Ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia Tổ chức Forest Trends – đánh giá, đại dịch Covid-19 làm giảm quy mô sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành, làm đứt gãy các chuỗi cung trong cả khâu xuất và nhập khẩu. Đồng thời, xô đổ các mục tiêu phát triển thể hiện qua các con số về tăng trưởng về kim ngạch mà ngành đã đặt ra trước đó.

Vượt lên trên những tác động vô cùng lớn của đại dịch, ngành gỗ vẫn trên đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục mở rộng mặc dù ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này thể hiện nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, khó có khả năng dự báo chính xác được các thay đổi tại thị trường xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.

Do đó, ngành gỗ cần có những giải pháp dài hạn nhằm ứng phó với dịch và phù hợp với tình hình mới. Điều này đòi hỏi ngành cần nhanh chóng xác định chiến lược phát triển về mặt thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa và về các dòng sản phẩm. Việc phát triển thị trường và các dòng sản phẩm chiến lược cần được đặt ra trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động bởi dịch bệnh và căng thẳng về thương mại quốc tế. Chiến lược này cần dựa trên các yếu tố giảm thiểu rủi ro, bao gồm cả các rủi ro về gian lận thương mại, nhằm tránh các tác động tiêu cực tới ngành.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng có xu hướng tăng như ván bóc, gỗ dán/gỗ ghép, đồ gỗ, ghế ngồi. Mặc dù có sự ảnh hưởng của dịch Covid -19 và vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng gỗ dán từ hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ và Hàn Quốc, nhưng các mặt hàng đồ gỗ (bao gồm sản phẩm tủ bếp và ghế bọc nệm) có mức tăng trưởng cao.

Nguyễn Hạnh

Theo https://congthuong.vn/

 

Share this post