Sản xuất đồ gỗ Bình Ðịnh năm 2019 – 2020: Duy trì đà tăng trưởng, phát triển bền vững

Mainau round table

Sản xuất đồ gỗ Bình Ðịnh năm 2019 – 2020: Duy trì đà tăng trưởng, phát triển bền vững

Mùa hàng 2019 – 2020, Hiệp hội Gỗ và lâm sản (FPA Bình Ðịnh) đề ra mục tiêu phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 450 triệu USD, nỗ lực xây dựng thương hiệu “Ðồ gỗ Bình Ðịnh”…

Năm ngoái, vượt qua những khó khăn, trở ngại, lần đầu tiên, các DN gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh đã đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu (kim ngạch xuất khẩu) 423 triệu USD. Đây là cơ sở để FPA Bình Định đặt ra mục tiêu táo bạo hơn trong mùa hàng 2019 – 2020.

Thành công vượt bậc

Theo ông Võ Phi Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, cũng như nhiều DN gỗ và lâm sản, thời gian qua Công ty gặp khá nhiều khó khăn, nhất là phải đối diện với những rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu áp đặt, trong đó có Quy chế gỗ châu Âu (EUTR), Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)… Tuy nhiên, nhờ củng cố, sắp xếp lại tổ chức và dây chuyền sản xuất, đồng thời cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đã từng nước ổn định và đạt được những kết quả khả quan. Theo thống kê, năm 2018 Hoàng Hưng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 11 triệu USD, tăng 10% so với năm 2017. Tiếp đó, 3 tháng đầu năm 2019, Hoàng Hưng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 4 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.

Còn theo ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phú Tài, năm 2018, vượt qua những khó khăn và rào cản thương mại, Công ty đạt doanh thu 4.758 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận đạt 475 tỉ đồng, tăng 12%; tỉ lệ trả cổ tức đạt 32%. Đáng lưu ý, trong năm 2018, Công ty Phú Tài lọt vào danh sách PROFIT 500 – Nhóm 500 DN có lợi nhuận tốt nhất và Nhóm 100 DN đạt chỉ số năng lực quản trị tài chính tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Mùa hàng 2018 – 2019 là một mùa hàng nhiều khó khăn, đơn cử: Không chỉ có các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thời gian qua các DN gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh còn phải chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu, bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia EU, nước Anh thực hiện chương trình rời khỏi EU, nguồn gỗ nguyên liệu đạt chất lượng, đảm bảo chứng chỉ khó khăn. Nói về những nỗ lực vượt khó vươn lên của các DN gỗ và lâm sản Bình Định, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội FPA Bình Định, cho biết: Trong bối cảnh khó khăn đó, các DN gỗ và lâm sản trên địa bàn đã nỗ lực sắp xếp lại tổ chức, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn quốc tế, chuyển đổi cơ cấu ngành hàng sang lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội thất, cải tiến mẫu mã…

Kết quả, mùa hàng năm 2018 – 2019, lần đầu tiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ và lâm sản tỉnh đạt 423 triệu USD, chiếm 53% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, với tốc độ tăng trưởng 6,2% so với năm 2017. Đà tăng trưởng này còn vắt sang 3 tháng đầu năm 2019, với giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ và lâm sản tỉnh đạt gần 128 triệu USD, chiếm 59% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Xây dựng thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định” 

Ngành gỗ và lâm sản Bình Định đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, về vấn đề này, ông Lê Minh Thiện cho biết: Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, FPA Bình Định xác định: Phấn đấu đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 450 triệu USD, tăng 6,4% so với năm 2018; trong đó đồ gỗ đạt khoảng 315 triệu USD, tăng 6,7%; về đích trước thời hạn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội FPA Bình Định lần thứ V đề ra.

Bình luận về các chỉ tiêu này, theo ông Nguyễn Sỹ Hòe, không dễ đạt được kết quả đó nếu DN không có những giải pháp căn cơ. Theo ông Hòe, có 3 giải pháp mà các DN gỗ và lâm sản Bình Định cần thực hiện, gồm : 1- Trang bị, thay mới thiết bị, máy móc; nhất là loại tự động hóa, sản xuất đa chức năng; 2- Sắp xếp lại dây chuyền sản xuất theo hướng tinh gọn, tối ưu; 3 – Nâng tầm quy mô nhà máy bằng cách tận dụng diện tích đất sẵn có rồi xây dựng nâng tầng (tầng 1: làm kho, ra phôi; tầng 2: để máy, tinh chế; tầng 3: ráp nguội; tầng 4: phun sơn, đóng thùng)… Mô hình này vừa dễ quản lý, điều hành, vừa tiết kiệm được chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Còn theo ông Lê Minh Thiện, FPA Bình Định đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Xây dựng chính sách ngành và công tác đối ngoại; công nghệ và đào tạo; thị trường và xúc tiến thương mại; đẩy mạnh chuyển đổi, phát triển sản xuất đồ gỗ trong nhà, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành, quản lý và năng suất lao động… Theo đó, FPA Bình Định sẽ tập trung xây dựng thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định” với mục tiêu: Quảng bá hình ảnh về một điểm đến “Đồ gỗ Bình Định hợp pháp và bền vững”, tiếp tục triển khai dự án Hệ thống trách nhiệm giải trình cấp Hiệp hội về đảm bảo gỗ hợp pháp  do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) và Chương trình hợp tác Liên hiệp quốc quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng (UN-REDD Việt Nam). Trước mắt,  FPA Bình Định sẽ tham gia Đoàn công tác xúc tiến thương mại – đầu tư của UBND tỉnh tại Hoa Kỳ, trọng tâm là gian hàng “Binh Dinh Furniture, Vietnam – 2019”.

Viết Hiền – Báo Bình Định

Share this post